Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Kế hoạch và Đầu tư

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu phí khai thác khoáng sản: Trả nợ thiên nhiên

Nghị định 12/2016/NĐ-CP về mức phí đối với khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/5 được kỳ vọng sẽ tạo ra một nguồn thu quan trọng, tái đầu tư việc bảo vệ môi trường.

* Thu phí – công cụ kinh tế bảo vệ môi trường
Ở nước ta, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được thực hiện từ năm 2006 theo Nghị định số 137/2005/NĐ-CP, sau đó có bổ sung, sửa đổi theo Nghị định 63/2008/NĐCP  và đến năm 2011 được thay thế bằng Nghị định 74/2011/NĐ - CP có hiệu lực từ 1/1/2012.
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đã góp phần hạn chế khai thác khoáng sản tràn lan, giảm ô nhiễm môi trường, tạo được nguồn kinh phí các địa phương.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mức thu phí đối với một số khoáng sản còn chưa tương xứng với mức độ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Đồng thời, mức thu này cũng chưa có sự phân biệt theo công nghệ khai thác, do đó chưa khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, đặc thù của từng loại khoáng sản khai thác, sự phân biệt theo hàm lượng khoáng sản… cũng không được tính đến nên không khuyến khích các mỏ tận thu khai thác.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và địa phương, ngày 19/02/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2016/NĐ-CP (thay thế Nghị định 74/2011/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ 1/5. Nghị định quy định cụ thể mức phí bảo vệ môi trường với dầu thô; khí thiên nhiên, khí than… Nghị định cũng ban hành khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác 14 loại khoáng sản kim loại và 23 khoáng sản không kim loại.
*Những điểm nhấn của Nghị định mới
Điểm nhấn của Nghị định 12/2016/NĐ-CP là đã quy định cụ thể mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí đối với loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định.
Với Nghị định trên, căn cứ mức phí quy định tại biểu khung phí ban hành kèm theo nghị định này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.  Chậm nhất đến ngày 31/7/2016, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản áp dụng tại địa phương.
Các quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cũng được quy định rõ trong Nghị định trên.
Theo đó, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước. Khoản kinh phí này được sử dụng để phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Đối với phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% đểhỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị định yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai số phí bảo vệ môi trường do các doanh nghiệp đã nộp.
 
     


Nguồn:sokhdt.langson.gov.vn Sao chép liên kết