Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2022
Trong tháng 10, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo tổ chức triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ mười hai Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVII; rà soát, chuẩn bị các nội dung dự kiến trình kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) và kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND tỉnh.
1. Về phát triển kinh tế
Trong tháng tập trung chăm sóc, thu hoạch lúa mùa và gieo trồng cây hoa màu vụ Đông, diện tích gieo trồng vụ mùa đạt 45.354 ha, bằng 98,6% so với kế hoạch. Trồng rừng tập trung trong tháng được 864 ha, lũy kế 10 tháng trồng được 9.082 ha, đạt 100,92% kế hoạch, trồng cây phân tán 3.474 nghìn cây, đạt 156,29% kế hoạch, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được quan tâm, trong tháng không xảy ra cháy rừng. Thường xuyên rà soát, kiểm tra các công trình thủy lợi để đảm bảo an toàn các công trình trong mùa mưa lũ.
Trong tháng 10, duy trì thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 04 cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh) ngoài ra cửa khẩu phụ Cốc Nam đang bắt đầu thí điểm thông quan hàng hóa theo phương thức phương tiện đầu kéo của Trung Quốc sang nhận hàng tại bãi của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 10 ước đạt 280 triệu USD, trong đó, xuất khẩu 55 triệu USD, nhập khẩu 225 triệu USD; luỹ kế 10 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2.405 triệu USD, đạt 43,7% kế hoạch; giảm 31,3% so với cùng kỳ, trong đó: Xuất khẩu 685 triệu USD, đạt 32%, giảm 38,8%, nhập khẩu 1.720 triệu USD, đạt 51,2% kế hoạch, giảm 27,7%. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tháng 10 ước đạt 14 triệu USD, lũy kế 10 tháng đạt 111 triệu USD, đạt 78,2% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Giá trị khối lượng thực hiện các dự án 10 tháng ước đạt 1.919,2 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch giao đầu năm, đạt 57,4% kế hoạch bao gồm vốn CTMTQG . Kết quả giải ngân lũy kế 10 tháng đạt 1.810,1 tỷ đồng, đạt 54,2% kế hoạch, trong đó: Kế hoạch vốn chưa bao gồm CTMTQG: 1.545,7 tỷ đồng đạt 61,9% kế hoạch giao đầu năm, Kế hoạch vốn CT MTQG: 264,4 triệu đồng, đạt 31 % kế hoạch.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 8,68% so với tháng 10/2021; tính chung 10 tháng đầu năm tăng 8,50% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,98%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,23%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,44%; cung cấp nước, xử lý nước thải tăng 2,57%. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó tăng trưởng mạnh ở hợp kim và hợp chất kim loại tăng 56,9%, nhựa thông tăng 12,6%. Hoạt động thương mại, kinh doanh được duy trì ổn định, không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo, giá cả ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 2.068,5 tỷ VND, lũy kế 10 tháng 20.079,9 tỷ VND, đạt 88,65% kế hoạch, tăng 15,09% so với cùng kỳ.
Trong tháng, tổng lượng khách du lịch ước đạt 200,12 nghìn lượt; doanh thu ước đạt 356 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng dự ước thu hút 3,27 triệu lượt khách, đạt 94,7% kế hoạch, tăng 199,5% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch 1.790,1 tỷ đồng, tăng 190%.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/10/2022, đăng ký thành lập mới 400 doanh nghiệp, đạt 80% kế hoạch, tương đương cùng kỳ, với số vốn đăng ký 4.397 tỷ đồng, tăng 27%; có 55 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động; có 170 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13%; 257 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 106 doanh nghiệp đang chờ giải thể và 165 doanh nghiệp đã hoàn thành giải thể; có 60 HTX đăng ký thành lập mới và có 13 HTX đã giải thể. Lũy kế toàn tỉnh có 3.710 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 37.560 tỷ đồng, có 713 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động; có 450 hợp tác xã. Đã chấp thuận chủ chương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án, tổng vốn đăng ký 1.539,253 tỷ đồng; điều chỉnh 26 dự án, tổng vốn tăng 905,151 tỷ đồng.
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
Triển khai các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập thành phố Lạng Sơn (17/10/2002-17/10/2022) và 72 năm Ngày giải phóng thành phố Lạng Sơn (17/10/1950 -17/10/2022). Tập trung thực hiện Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc bình xét và công nhận đô thị văn minh. Tổ chức triển lãm chuyên đề "Đường số 4 rực lửa" kỷ niệm 75 năm chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. Tổ chức họp Ban Vận động huy động nguồn lực xã hội xây dựng Đền Chi Lăng đánh giá kết quả năm 2022, xây dựng kế hoạch vận động năm 2023. Tổ chức Lễ bế mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Lạng Sơn lần thứ IX năm 2022, thực hiện đăng ký các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc.
Triển khai thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,43 % . Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 167 hồ sơ; lũy kế tiếp nhận và giải quyết 1.311 hồ sơ, thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.778 người có công và thân nhân với kinh phí 7.134,2 triệu đồng, lũy kế chi trả trợ cấp cho 37.976 người, kinh phí 70.474,2 triệu đồng.
3. Lĩnh vực chuyển đổi số
Các chỉ số về xã hội số, kinh tế số tiếp tục phát triển và tăng cao, trong tháng phát triển được 29.838 app Công dân số Xứ Lạng, lũy kế từ đầu năm đạt 98.165 người sử dụng, đạt chỉ tiêu 85.3%; tài khoản người mua phát triển được 5.930 tài khoản, lũy kế từ đầu năm đạt 100.437 người sử dụng, đạt chỉ tiêu 70.9%; số mặt hàng trên sàn thương mại điện tử đạt 19.398 sản phẩm, đứng thứ 02 toàn quốc; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 38.966 giao dịch, đứng thứ 04 toàn quốc. Tiếp tục duy trì hoạt động cửa khẩu số, 100% xe xuất nhập khẩu khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu. Tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đồng thời tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tại Hà Nội tỉnh Lạng Sơn đã xuất sắc giành giải thưởng "Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương", là 01 trong 07 cơ quan trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng Cửa khẩu số.
4. Quốc phòng, an ninh; đối ngoại
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Triển khai tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ huấn luyện lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên năm 2022 theo kế hoạch. Tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, trong tháng đã thu nhận 7.816 hồ sơ căn cước công dân, đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 652.847/664.213 hồ sơ cấp căn cước công dân, đạt 98,3%.
Hoạt động đối ngoại được quan tâm, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; củng cố, mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác với đối tác các nước truyền thống, các tổ chức quốc tế để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, hoạt động đối ngoại nhân dân, văn hóa đối ngoại và thông tin đối ngoại, công tác quản lý biên giới, lãnh thổ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị; xây dựng và giữ vững môi trường lành mạnh, an toàn, ổn định và phát triển. Triển khai các nội dung hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc
Phùng Đức Vinh
Phòng Tổng hợp kinh tế xã hội