Chủ động tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp bán dẫn hoạt động trong nhiều công đoạn sản xuất chip bán dẫn. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn khác vẫn trong giai đoạn tìm hiểu, xúc tiến cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Trong nỗ lực biến ngành công nghiệp bán dẫn thành động lực tăng trưởng mới, Việt Nam đang có những bước đi tích cực để có thể tham gia một cách hiệu quả, chủ động vào các khâu trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
.
Khách tham quan trải nghiệm thiết bị công nghệ cao tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn 2024.
Ba thành tựu lớn
Thông tin cập nhật của Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 diễn ra đầu tháng 11 vừa qua cho thấy, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024 và tăng lên 31,39 tỷ USD vào năm 2029. Bán dẫn đang được coi là “trái tim” của công nghệ hiện đại, là nền tảng cho nền kinh tế số.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay, Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp quan trọng này. Đó là nhờ yếu tố ổn định chính trị, sự nhất quán về chủ trương và quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành công nghệ tiên tiến; có nguồn nhân lực trẻ nhiệt huyết, năng động và thị trường đầy tiềm năng cho các ngành công nghệ cao với quy mô dân số hơn 100 triệu dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác, doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Yếu tố quan trọng khác là Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Đăng Dũng, cố vấn cao cấp Tập đoàn Sovico chỉ ra những lợi thế so sánh của Việt Nam trong cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, như lợi thế nằm ở trung tâm của mạng lưới bán dẫn, nơi chiếm 70% tổng sản lượng bán dẫn toàn cầu; sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú…
Quang cảnh hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn 2024.
Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho thấy Việt Nam có định hướng rất rõ ràng và quyết tâm cao, khiến nhà đầu tư tin tưởng rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực.
Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, lĩnh vực bán dẫn đã phát triển ở Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối dài nhưng chỉ riêng trong một năm vừa qua đã đạt được ba thành tựu lớn.
Thành tựu thứ nhất là việc Chính phủ đã xây dựng một kế hoạch chiến lược rất rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, gồm Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, giúp các doanh nghiệp, viện nghiên cứu có thể xác định rõ hướng đi để phát triển.
Thành tựu thứ hai được ghi nhận là từ tháng 9/2023 đến nay, số lượng chương trình đào tạo mới kỹ sư và công nhân lành nghề cho ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học cũng như số lượng học sinh tham gia vào các chương trình này đã tăng lên rõ rệt. Thành tựu thứ ba là số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đã tăng khoảng 20-30% trong một năm qua.
Cơ chế đột phá
Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc.
Do đó, yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững khi tham gia vào chuỗi cung ứng là thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều tập đoàn công nghệ bán dẫn toàn cầu.
Cho rằng cơ hội hợp tác với Việt Nam rất rộng mở, ông Hans Duisters, nhà sáng lập Brainport Industries, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sioux chia sẻ, nhà đầu tư nhận thấy những mục tiêu, chiến lược rất rõ ràng của Chính phủ trong phát triển nguồn nhân lực cũng như cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và đó là lý do để Brainport Industries chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong việc phát triển mảng thiết kế phần mềm bán dẫn.
Còn theo chia sẻ của ông Andrew Goh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lam Research, với triển vọng và vị thế ngày càng tăng, Việt Nam đang là điểm đến được tập đoàn nghiên cứu để cùng tham gia chuỗi cung ứng, lấy nguồn hàng từ Việt Nam để chuyển sang các quốc gia khác sản xuất.
Trong kế hoạch phát triển mới này, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ tìm kiếm người đồng hành là các đối tác đi theo nguyên tắc kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn và chỉ 20% số kỹ sư trong số này đạt tiêu chuẩn cho ngành công nghệ cao, phần còn lại cần phải được đào tạo thêm.
Để chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các cơ quan đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã có các giải pháp đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, điện tử; phát triển hạ tầng năng lượng, trong đó chú trọng đến năng lượng tái tạo và nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển.
Mới đây, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn.
Việc có chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư được kỳ vọng giúp Việt Nam bảo đảm vị thế cạnh tranh, giữ chân và thu hút các tập đoàn với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng và tác động lan tỏa lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến ngay trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ với nhiều chính sách tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040. Mục tiêu Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư